Ai có quyền khởi kiện yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Căn cứ Điều 34 BLTTDS 2015 quy định khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Như vậy, việc xem xét huỷ Giấy chứng nhận là quyền của Toà án khi giải quyết vụ việc dân sự mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.

VD: Chị (A) bán đất cho cháu là con của anh trai, chị (A) bán 1/3 diện tích đất nhưng vì tin tưởng nên đã đưa sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất) và ký các giấy tờ mà người cháu yêu cầu, sau một thời gian phát hiện ra 2/3 số đất đã được người cháu đứng tên sổ đỏ. Sổ đỏ ban đầu đứng tên Hộ gia đình bao gồm chị (A) và con gái, lúc bán chỉ có chữ ký của chị (A), người con gái của chị (A) và các con khác không được biết quá trình mua bán đất. Hỏi: Bây giờ có thể kiện xin huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không?

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình (gồm: chị (A) và con gái của chị (A) nên xác định đây là tài sản thuộc sở hữu chung của hai người. Do đây là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nên hình thức sở hữu là sở hữu chung hợp nhất giữa chị (A) và người con gái, chưa có việc phân chia quyền sử dụng đất nên chị (A) và con gái đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với thửa đất theo quy định tại khoản 2 Điều 210 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Như vậy;

Trường hợp chị (A) thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cho người cháu khi con gái chị (A) chưa thành niên. Toà không thể tuyên huỷ hợp đồng giao dịch tren.

Tuy nhiên, phải xác định chị (A) trong quá trình thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký vào các giấy tờ mà người cháu yêu cầu nên chị (A) phải chứng minh việc có hay không có người cháu đã cố ý lừa dối chị (A) để ký các giấy tờ có nội dung khác với thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu là chuyển nhượng 1/3 hay 2/3 diện tích đất trên. Từ đó xác định giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp chị (A) thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cho người cháu khi đó con gái chị (A) đã thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Việc chị (A) bán đất (định đoạt tài sản chung) không có thỏa thuận của con gái chị (A) và các thành viên trong gia đình thì việc định đoạt tài sản chung của chị (A) là hành vi trái pháp luật. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị (A) và người cháu (người nhận chuyển nhượng) là hợp đồng vô hiệu toàn phần theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, phải xác định còn thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 (02 năm) thì có quyền yêu cầu đòi lại diện diện tích đất đã chuyển nhượng. Trường hợp không còn thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì không có quyền đòi lại diện tích đất đã chuyển nhượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *