Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận: “1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Do đó, trường hợp cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị buộc nộp lại số lợi bất chính có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao định nghĩa về cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.